Có một món ăn giờ đây chỉ còn trong ký ức. Nó không khi nào xuất hiện nữa, mặc dù từng tồn tại cả chục năm. Chiều nay đang bữa cơm, anh cu cháu họ tôi tuổi ngoài 40 nhắc đến, nó bảo hồi bé cháu cũng hay phải ăn nó bác ạ, giờ nghĩ vẫn kinh.
Đó là muối rang.
Một thời, có những món dân dã, đậm chất nông thôn, như ngọn khoai lang luộc, mắm cáy, khoai khô bung đỗ đen và đường vàng, canh rau tập tàng (nhiều loại rau hoang dã như rau sam, rau dền, rau dệu)… vốn là món chính trong bữa ăn của nông dân, đến khi cuộc sống phát triển, khá giả hơn thì người ta bỏ, quên nó đi. Rồi một ngày nào đó, bất chợt mấy anh nhà giàu no xôi chán chè, chán ngán thịt cá giò chả bỗng thòm thèm sự thiếu thốn, thì nó hiện về các bàn tiệc sang trọng, thành món đặc sản. Tôi từng thấy những món như vậy ngay trong cả khách sạn 5 sao, thậm chí đĩa rau muống xào tỏi, ngọn bí luộc, bát canh hoa bí, gói cơm nắm muối vừng, mỗi thứ giá đến gần chục đô. Người ta ăn, người ta nhấm nháp quá khứ, tấm tắc khen ngon. Tôi thầm nghĩ, có cho ông cũng thèm vào, còn ngán đến tận cổ đây này, bởi đã ăn quá nhiều, suốt cả tuổi hoa niên nghèo khó.
Nhưng món muối rang thì chả thấy ai nhớ, ai thèm. Bàn tiệc, khách sạn lại càng không. Nó gợi một thời khủng khiếp, thiếu thốn, đói kém, thèm thịt thèm cá, cái bụng lúc nào cũng lép kèm kẹp. Cơm đã chẳng đủ no, đang tuổi thiếu niên, thanh niên “nam thực như hổ” vậy mà bữa cơm độn khoai sắn cũng chỉ chưa đầy 3 lưng bát, thức ăn nhì nhằng rau cỏ trong vườn, chất đạm là con tép con tôm đánh dậm được ngoài đồng. Ở nhà với thày bu thì còn có chút đỉnh linh tinh vậy, chứ đi học trọ xa nhà, khẩu phần kém hẳn, cơm cũng ít đi, thức ăn chủ yếu chỉ 2 món: cá khô và muối rang.
Anh trai tôi suốt 3 năm học cấp 3 (1966 – 1969) trường huyện Kiến Thụy (ở Hải Phòng những năm ấy mỗi huyện chỉ có một trường cấp 3, riêng huyện Thủy Nguyên không biết vì lý do gì ngoài trường Thủy Nguyên có thêm trường Thủy Sơn nữa), máy bay Mỹ đánh rát quá, trường sơ tán về xã Tân Phong gần biển. Anh tôi ở trọ luôn trên đó chứ xa quá làm sao đi về hằng ngày, mỗi tuần một lần đạp xe thiếu nhi Liên Xô về nhà lấy gạo và cá khô. Loại cá này bu tôi gọi tên cá dầu, thực ra là con cá nục nhưng nghe ai đó bảo rằng đã được ép lấy dầu, chỉ còn cái xác cá. Hợp tác xã mua bán (thương nghiệp) phân phối theo bìa hộ gia đình xã viên. Chục con cá khô, mỗi con bằng 2 ngón tay, ăn cả tuần, chả bõ bèn gì. Anh tôi bèn chế món muối rang. Mà chả riêng ông anh tôi, ông nào thời ấy đi học trọ cũng biết làm món này, chẳng ai giữ bản quyền.
Nguyên liệu đặc sản muối rang gồm 3 thứ: muối (đương nhiên), hành, và mỡ. Hiếm nhất là mỡ. Hồi ấy chưa có dầu thực vật, chất béo chỉ trông vào con lợn. Nếu hợp tác xã mua bán giết lợn vào cuối tuần, chen chúc xếp sổ mua được ký mỡ không khác gì hoàn thành kế hoạch nửa năm. Thèm thịt, nhất là thịt nạc nhưng lại giành nhau cục mỡ. Thịt chỉ cho bà đẻ, người ốm, trẻ con ăn chứ mỡ thì ai trong nhà cũng có phần. Rán tất tật lên thành mỡ nước ăn dần. Tóp mỡ để nấu canh rau cho có mùi thịt, bà chị tôi tủm tỉm bảo rằng chạy qua hàng thịt, giống như sau này có những người thèm phở đi qua hàng phở chả dám vào, gọi là ăn phở ngó. Mùa hè nóng nên mỡ lỏng, đổ vào chai, mùa đông lạnh nên nó đông trắng như tuyết trong cạp lồng nhôm Liên Xô. Mỗi lần nấu, lấy thìa xúc nhón ra chút ít, cũng lại chạy qua hàng mỡ, cốt sao bát canh nổi lên vài cái váng tròn tròn óng ánh cho hấp dẫn, còn món xào có tí mỡ trông bóng bẩy bắt mắt.
Muối dạo ấy thì chỉ có loại muối cục, trông như tinh thể kim cương, to bằng hạt đỗ xanh, màu hơi vàng, rất ít khi có muối trắng. Ngày ấy người ta thu mua muối ngay tận ngoài đồng muối ven biển, đem về trữ trong kho cửa hàng hợp tác xã mua bán, ai đến mua thì họ lấy xẻng xúc bán cho vài xẻng rồi thu tiền chứ chả cân kẹo gì.
Muối ấy đem bỏ vào cối giã nhỏ. Lấy cái chảo, đặt nóng trên bếp, quẹt mỡ rồi phi hành (củ) cho thơm, đổ muối vào đảo đều lên. Bao giờ hạt muối thấm đều mỡ đều hành thì bắc ra. Có thêm vài miếng tóp mỡ trông càng hấp dẫn. Để nguội, cho vào lọ thủy tinh, chỉ cần một lọ to bằng chiếc cốc vại thì ăn ròng rã cả tháng.
Ngoài miền Bắc, khi bọn trẻ con ăn hơi nhiều thức ăn thì người ta gọi là ăn mặn. Chẳng hạn một con tôm đáng nhẽ phải làm sao kèm hết nửa bát cơm thì đứa ăn mặn chỉ lùa hai và cơm, đứa này mách thày bu rằng đứa kia ăn mặn, tốn thức ăn. Riêng món muối rang, chả đứa nào dám ăn mặn. Cơm không thì khó nuốt, có tí muối rang cũng dễ trôi, nhưng khát nước suốt ngày. Ờ, mà chỉ chuyện ăn cũng buồn cười. Trong bữa ăn ở quê tôi thời ấy có những từ mà bây giờ chẳng mấy ai nhắc lại, ví dụ ăn cố là còn dư chút gì đó, thường là rau, ráng ăn cho hết kẻo phí (trong miền Nam lại dùng từ ăn cố để chỉ ăn tham); ăn dè là ăn nhin nhín, tí một, không dám ăn hết; chan võng là tham, chan quá nhiều nước canh so với cơm… Đại loại đều là những từ chỉ sự ăn uống của một thời thiếu đói.
Anh Uy tôi học hết lớp 10 thì đi bộ đội, tôi lại tiếp tục sự nghiệp muối rang. Trường huyện chuyển về thị trấn Thọ Xuân – núi Đối năm 1969 khi Mỹ tạm ngưng ném bom miền Bắc. Năm lớp 10 học hành thi cử căng thẳng tôi chả dám đi về nhà hằng ngày nên đành trọ học gần trường. Cũng vẫn điệp khúc ẩm thực cá khô và muối rang. Đằng đẵng gần 1 năm trời, muối rang là món chính trong khẩu phần. Trọ cùng tôi là ông bạn Vũ Trường Thành người xã Minh Tân, nhà y thuần nông như nhà tôi, đặc sản cũng chỉ cá khô và muối rang. Thế rồi vẫn sống được, cũng vượt qua cái thời tao loạn, thiếu thốn ấy. Chưa kịp thi tốt nghiệp thì y đi bộ đội bổ sung cho chiến trường Quảng Trị, bị thương ở thành cổ, trong thư viết gửi về có cả mấy dòng ông nghèo kể khổ thời trọ học ăn muối rang. Tôi may mắn có anh trai lúc ấy đang chiến đấu bên mặt trận Hạ Lào, được tạm hoãn lính, đi học tiếp. Sau hòa bình, thỉnh thoảng tôi và Thành hai thằng gặp nhau ôn lại chuyện muối rang cá khô, cười phớ lớ. Chỉ có điều, nhớ lại thời kham khổ ấy đứa nào cũng rùng mình, hệt như thằng cháu tôi trong bữa cơm ở quê chiều qua vậy.
Nguyễn Thông