Sẽ hạn chế nhập muối công nghiệp

Muối tinh khiết hiện trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên việc DN xin nhập phục vụ sản xuất là chuyện bình thường.

 Sẽ hạn chế nhập muối công nghiệp

Trong khi các công ty trong nước xin nhập muối tinh khiết, nhiều DN làm công nghệ thực phẩm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) và Mỹ lại tìm cách nhập khẩu muối thô từ Việt Nam để sản xuất.
Bất chấp lượng muối tồn kho lớn, Bộ Công Thương vẫn buộc phải cấp hạn ngạch nhập khẩu cho nhiều DN. Lý do được các DN đưa ra là muối công nghiệp có độ tinh khiết cao (hàm lượng NaCl trên 99,9%), trong nước chưa sản xuất được. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chưa tán đồng quan điểm này.

Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã cấp hạn ngạch nhập khẩu muối công nghiệp cho các công ty như: Công ty TNHH MTV hóa chất cơ bản miền Nam, CTCP hóa chất Việt Trì, Công ty Vedan Việt Nam… Tổng hạn ngạch muối nhập khẩu của năm 2013 lên tới 102.000 tấn.

Theo một số DN, đó là muối dạng viên nén, phục vụ trong sản xuất công nghiệp. Giá của loại muối này cao hơn hẳn muối thường, loại vẫn được sản xuất trong nước hiện nay.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Thừa, Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho hay, muối tinh khiết hiện trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên việc DN xin nhập phục vụ sản xuất là chuyện bình thường.

Theo Thông tư 04/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương, các thương nhân trực tiếp sử dụng muối công nghiệp làm nguyên liệu sản xuất hóa chất, sản xuất thuốc, sản phẩm y tế… vẫn được xem xét nhập khẩu muối trong hạn ngạch khoảng 100 nghìn tấn/năm.

Tuy nhiên ông Ngô Tấn Bán, Chủ tịch HĐQT Công ty CP&TM Muối Miền Trung cho rằng, trong khi các công ty trong nước xin nhập muối tinh khiết thì nhiều DN làm công nghệ thực phẩm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ lại tìm cách nhập khẩu muối thô từ Việt Nam để sản xuất.

Lý do là muối của Việt Nam được  làm theo cách thủ công tại đồng nên giữ được rất nhiều vi chất từ nước biển, đồng thời có hàm lượng NaCl khá cao (95%). Các DN làm trong ngành công nghiệp thực phẩm nước ngoài cho biết, nếu thanh lọc tốt có thể sử dụng trong công nghiệp, hay tiêu dùng đều rất tốt.

Thêm vào đó, theo ông Bán, việc nhập khẩu muối có thể sẽ tiềm ẩn nguy cơ  gây mất ổn định thị trường và ảnh hưởng đến lợi ích của diêm dân. Nếu quản lý việc nhập khẩu không chặt chẽ thì các DN có thể lợi dụng chính sách để trục lợi. Thực tế, trong các năm qua, ngành Hải quan đã phát hiện một số DN lợi dụng cơ chế ưu đãi thuế đối với nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sản xuất để nhập khẩu muối công nghiệp, nhưng sau đó lại bán trở lại thị trường làm muối ăn.

Đây có thể coi là bất cập rất lớn từ việc cho phép nhập khẩu muối công nghiệp hiện nay. Bởi lẽ, tồn kho muối trong nước đang rất lớn, gây sức ép lên DN và diêm dân. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tính đến hết tháng 10/2013, cả nước đã sản xuất hơn 976.000 tấn muối, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2012.

Hiện diện tích sản xuất muối cả nước là gần 14.190 ha, trong đó, có 3.394 ha sản xuất muối công nghiệp. Nhưng do tiêu thụ khó khăn, hiện lượng tồn kho mặt hàng này của cả nước vào khoảng 118.000 tấn (trong đó miền Nam 50.000 tấn, miền Trung 37.000 tấn…).

Ông Nguyễn Trọng Thừa chia sẻ thêm, chủ chương của Bộ NN&PTNT là hạn chế nhập khẩu mặt hàng này vì hiện nay do nguồn muối trong nước khá nhiều. Thêm vào đó, nhà máy chế biến muối tinh khiết với công suất 400 nghìn tấn/năm tại Ninh Thuận đã cơ bản hoàn thành, đi vào khai thác với công suất khoảng 200 nghìn tấn/năm./.

Theo VOV.VN

Bài Viết Liên Quan