Kích thích phát triển trí tuệ của trẻ qua 5 giác quan

Kích thích phát triển trí tuệ của trẻ qua 5 giác quan

Một phương pháp giáo dục đang được áp dụng một cách hiệu quả trên thế giới là kích thích vào 5 giác quan của trẻ, bao gồm thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác và thị giác…

Cơ hội cửa sổ cho sự phát triển trí tuệ

Các nghiên cứu mới nhất liên quan đến tác nhân hỗ trợ sự phát triển não bộ đã chỉ ra rằng bộ não có tiềm năng rất cao trong những năm đầu đời. Giai đoạn này được gọi là “cửa sổ cơ hội” với khoảng thời gian ngắn mà trong thời điểm đó nếu thiếu các kích thích hoặc thiếu các ảnh hưởng của môi trường, não của trẻ sẽ bị ảnh hưởng thiếu tích cực hoặc mất vĩnh viễn chức năng.

Sự phát triển sớm của não cũng chính là cơ sở để gia đình và nhà trường thực hiện những phương pháp giáo dục sớm cho trẻ. Các chương trình giáo dục đặc biệt sẽ kích hoạt tiềm năng của bộ não đang phát triển. Một phương pháp giáo dục đang được áp dụng một cách hiệu quả trên thế giới là kích thích vào 5 giác quan của trẻ, bao gồm thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác và thị giác tiếp nhận tác động từ bên ngoài.

Bằng phương pháp kích thích 5 giác quan của trẻ, cha mẹ sẽ giúp bé khám phá, trải nghiệm thế giới xung quanh một cách tự nhiên và có chiều sâu. Theo TS. Pedro Alarcon (Giám đốc Y khoa Abbott Nutrition, Hoa Kỳ) thì phương pháp kích thích 5 giác quan là phương pháp giáo dục tự nhiên nhất những cũng rất tiên tiến. Qua đó trẻ sẽ được khám phá, trải nghiệm với môi trường bên ngoài như: trò chuyện, vuốt ve, vui chơi, vận động, tạo hình, âm nhạc… Cha mẹ bằng trái tim và tình yêu của mình là có thể giúp con phát triển tối ưu. Việc kích thích sẽ kích hoạt tương tác giữa các tế bào não đang phát triển để khơi dậy tiềm năng trí tuệ của trẻ. Các nghiên cứu về phát triển ngôn ngữ cũng cho một thông tin tương tự, nếu trẻ được cha mẹ trò chuyện và vui đùa nhiều, sẽ biết nhiều từ vựng và lanh lẹ, thông minh hơn so với những trẻ ít được kích thích.

Khứu giác

Khứu giác là giác quan phát triển sớm nhất của trẻ. Lần đầu tiên tiếp xúc với mẹ, bé đã nhanh chóng cảm nhận và nhớ được mùi của mẹ. Cùng với thời gian và sự phát triển của các giác quan khác, độ nhạy bén của khứu giác cũng theo đó mà giảm dần. Do đó, cha mẹ nên tận dụng thời gian trong giai đoạn ấu thơ để phát triển năng lực khứu giác cho bé.

Xúc giác

Xúc giác của trẻ nhỏ tương đối nhạy cảm, đặc biệt là xúc giác ở môi, bàn tay và bàn chân, ta chỉ cần động nhẹ là trẻ có phản ứng ngay. Sau 2 tháng tuổi, tay bé đã quờ quạng để khám phá các vật thể xung quanh. Cha mẹ nên cho bé tiếp xúc với các loại đồ vật có các tính chất khác nhau như ấm – lạnh; cứng – mềm; nặng – nhẹ, đồng thời giúp trẻ tập luyện các hoạt động nắm, nắn, bóp của các ngón tay. Bằng cách tiếp xúc này, cảm nhận về vật thể của bé sẽ tăng lên nhờ đó năng lực xúc giác của bé sẽ phát triển tốt hơn.

Thính giác

Khi mới sinh, bé tiếp nhận âm thanh bên ngoài một cách bị động và bé chưa có khả năng phân biệt các loại âm thanh khác nhau. Đến thời kỳ, bé biết quay đầu tìm kiếm vật phát ra âm thanh là lúc bé biết nghe tín hiệu âm thanh có lựa chọn. Điều này cũng có nghĩa, trẻ đã có sức nghe nhất định. Sức nghe này rất quan trọng vì nó thúc đẩy sự phát triển năng lực trí tuệ của trẻ. Vì vậy ngay từ nhỏ, cha mẹ nên nói chuyện nhiều với bé và hát cho bé nghe. Giao tiếp nhiều với bé sẽ giúp bé tăng vốn từ và khả năng phát âm.

Vị giác

Khi mới sinh ra, bé đã có thể phản ứng với các mùi vị. Khi mút vị ngọt, bé chúm chím miệng thích thú, nếu mút phải vị chua, đắng bé sẽ tỏ ra khó chịu nhăn mặt… Để giúp trẻ phát triển vị giác và cảm nhận được các mùi vị khác nhau, khi trẻ ăn món gì, cha mẹ nên mô tả món đó cho trẻ biết như: chua, cay, mặn, ngọt. Hãy hỏi lại bé đó là vị gì khi ăn lại món đó hay món có vị tương tự. Hãy cho bé ăn nhiều thức ăn đa dạng từ lỏng, mềm đến cứng hơn, thức ăn làm từ nhiều thành phần khác nhau: rau, trái cây, gia cầm, thủy hải sản, thức ăn có nhiều vị khác nhau và gia vị bổ sung đa dạng.

Thị giác

Khi trẻ đã có thể nhìn đồ chơi treo cách mặt khoảng 60cm, cha mẹ có thể sử dụng những đồ chơi có màu sắc như: quả bóng bay, giấy màu, băng vải… treo phía trên giường trẻ và thường xuyên thay đổi vị trí để tránh cho bé chú ý mãi về một phía, dẫn đến nằm bẹt đầu hoặc nhìn nghiêng. Bé càng lớn, cha mẹ hãy treo vật xa hơn, vật đó phải thay đổi về hình dạng, kích thước, mẫu… nhằm giúp cho thị giác màu của bé được kích thích, bé sẽ chăm chú nhìn và động đậy tay chân. Khi năng lực chú ý của trẻ được nâng cao, các sự vật xung quanh trong con mắt trẻ dần dần hình thành hình tượng cụ thể. Lúc này, cha mẹ nên cho bé xem tranh màu kèm theo những lời nói ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu để giúp bé có thể hiểu sơ bộ về đồ vật, dần dần bé có thể phân biệt được hình ảnh của đồ vật khác nhau.

Bài viết liên quan